Mỗi khi bước vào giai đoạn nắng nóng cao điểm, việc bảo quản thực phẩm cũng trở nên cần thiết. Nhiệt độ cao không chỉ khiến thực phẩm nhanh hỏng mà còn tiềm ẩn nhiều rủi ro về sức khỏe nếu không được xử lý và lưu trữ hợp lý. Cùng tìm hiểu các mẹo đơn giản nhưng hiệu quả để giữ thực phẩm luôn tươi ngon, an toàn trong mùa hè oi bức nhé.

Nắng nóng gay gắt – Nguy cơ tiềm ẩn cho sức khỏe từ thực phẩm hư hỏng
Mỗi khi thời tiết nắng nóng cao điểm, không chỉ khiến cơ thể mệt mỏi mà thậm chí thực phẩm cũng dễ “xuống phong độ”. Nhiệt độ cao là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn sinh sôi, gây hư hỏng, nấm mốc, thậm chí có thể dẫn đến ngộ độc nếu không được bảo quản đúng cách.
Những điều cần biết khi bảo quản thực phẩm luôn tươi ngon
1. Thịt, cá và hải sản tươi sống
Đây là nhóm thực phẩm dễ bị vi khuẩn tấn công trong mùa nắng nóng.
Mẹo bảo quản hiệu quả:
- Sơ chế sạch sẽ, chia nhỏ khẩu phần tùy bữa ăn rồi bọc kín bằng túi zip hoặc màng bọc thực phẩm.
- Để vào ngăn mát tủ lạnh từ 2 - 4°C với thời gian sử dụng từ 3 - 5 ngày hoặc ngăn đông với nhiệt độ -18°C hoặc thấp hơn với thời gian sử dụng lên đến 3 -12 tháng.
- Tuyệt đối không nên rã đông rồi cấp đông lại, đây là một trong những nguyên nhân chính làm mất chất dinh dưỡng và tăng nguy cơ nhiễm khuẩn cho thực phẩm.

2. Rau củ quả
Thời tiết nóng khiến rau dễ héo, úa và mất nước, đồng thời tạo điều kiện cho nấm mốc phát triển.
Cách xử lý:
- Rửa sạch, nhặt bỏ lá úa, để thật ráo nước trước khi bảo quản.
- Bọc bằng khăn giấy khô hoặc túi giấy giúp hút hơi nước thoát ra từ rau để rau luôn được khô ráo và không bị hư úng. Sau đó cho vào túi zip.
- Đặt vào ngăn mát tủ lạnh ở 4–8°C với thời gian sử dụng từ 2 - 7 ngày

3. Đồ ăn đã nấu chín
Thức ăn đã nấu chín nếu để ở nhiệt độ thường quá 2 tiếng thường rất dễ bị hỏng, đặc biệt là các món canh, món nhiều nước, hoặc có dầu mỡ.
Cách bảo quản:
- Đặt ngay vào ngăn mát tủ lạnh, lý tưởng là ở khoảng 0–4°C với thời gian sử dụng khoảng 3 ngày.
- Khi hâm lại, phải đun sôi kỹ để đảm bảo an toàn.
- Lưu ý nếu đặt thức ăn còn đang nóng vào trong tủ lạnh sẽ dễ làm tăng nhiệt độ và gây ảnh hưởng đến các thực phẩm khác cũng như khiến cho máy lạnh hoạt động nhiều hơn, ảnh hưởng đến tuổi thọ của tủ lạnh.

4. Trái cây
Trái cây tuy có thể bảo quản lâu trong tủ lạnh như khi đã cắt, thái ra, nếu không được bảo quản kỹ sẽ rất nhanh bị thiu, chua và mất vị.
Lưu ý:
- Nên dùng ngay trong vòng 1–2 ngày đối với các trái cây đã cắt thái.
- Loại bỏ những phần cuống bị hư hoặc quả bị úng, héo. Sau đó, dùng khăn lau sạch bề mặt của quả và cất trong hộp kín hoặc màng bọc, giữ trong ngăn mát tủ lạnh từ 3–5°C.
- Tránh để gần thực phẩm sống hoặc có mùi.

Lưu ý khi sử dụng tủ lạnh trong mùa nắng nóng
Tủ lạnh là “trợ thủ” số một, nhưng nếu sử dụng sai cách, sẽ giảm hiệu quả bảo quản đáng kể. Không để quá nhiều thực phẩm vào tủ, đặc biệt là ngăn mát. Điều này khiến khí lạnh khó lưu thông khiến cho đồ ăn không được làm lạnh đều. Đây cũng là nguyên nhân làm cho thực phẩm hư hỏng do không đủ độ lạnh.
- Luôn đậy kín nắp các hộp thực phẩm để tránh lây mùi, nhiễm khuẩn chéo giúp bạn duy trì được độ tươi ngon của thực phẩm.
- Vệ sinh tủ lạnh định kỳ 3- 6 tháng/lần. Việc vệ sinh tủ lạnh sẽ giúp cho tủ lạnh hoạt động ít hơn và hỗ trợ loại bỏ những cặn bẩn từ thực phẩm bám trên khay đựng, có thể len lỏi vào những khe của tủ lạnh. Ngoài ra, còn giúp loại bỏ mùi hôi bên trong không gian tủ.
- Đặt thực phẩm vào ngăn đông sẽ giúp thời gian sử dụng rất lâu đến tận 1 năm.
Kết luận
Trong những ngày nắng nóng gay gắt, việc bảo quản thực phẩm đúng cách không chỉ giúp giữ “phong độ” cho thực phẩm mà còn là giải pháp quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và cả gia đình bạn. Từ việc sơ chế, đóng gói, sắp xếp trong tủ lạnh cho đến những lưu ý khi sử dụng thiết bị làm lạnh, mọi bước đều cần được thực hiện cẩn thận và khoa học để giúp cho thực phẩm của bạn trở nên tươi ngon, khỏe mạnh và an toàn.